ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

11/04/2024 14:28
11-04-2024 14:28:51+07:00

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6.0% trong năm 2024 và 6.2% trong năm 2025.

Tín hiệu phục hồi tăng tưởng

Theo đánh giá của ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023. Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Tín hiệu đầu tiên là trong quý đầu tiên của năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng lên 5.7% so với mức 3.4% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, rủi ro sụt giảm từ những bất ổn địa chính trị toàn cầu và nguy cơ dễ đổ vỡ của cấu trúc trong nước có thể cản trở tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn.

Sự trở lại dần của các đơn hàng mới và tiêu dùng đã vực dậy tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào cuối năm 2023, đà tăng có xu hướng mạnh hơn trong năm 2024. Lãi suất thấp hơn, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và khung pháp lý liên quan tới đất đai được cải thiện gần đây sẽ hỗ trợ ngành xây dựng. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm và lãi suất điều hành toàn cầu vẫn ở mức cao có thể cản trở tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Lãi suất trong nước thấp, các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Doanh số bán lẻ trong quý 1 năm 2024 cao hơn 8.2% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động kinh tế phục hồi, dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistic, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch.

Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là bình ổn giá và tăng trưởng, ngay cả khi không gian chính sách bị hạn chế. Tình trạng suy thoái dự kiến của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể kiềm chế giá dầu toàn cầu, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân trong quý 1 năm 2024 đã giảm còn 3.8% so với mức cao hơn 4.2% cùng kỳ năm ngoái.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và lạm phát bên ngoài sẽ tiếp tục hạ nhiệt, dù chậm hơn so với kỳ vọng. Các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024 sẽ giúp giảm áp lực lên tiền đồng. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu tăng cao - với mức đỉnh điểm ước tính là 4.6% tổng dư nợ vào cuối năm 2023 so với 2.0% trong năm 2022—sẽ làm giảm triển vọng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực ngày 1/7/2024 cũng sẽ giám sát tốt hơn các hoạt động cho vay.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức.

"Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững", ông Shantanu Chakraborty nói.

Đại diện ADB lưu ý: Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB lưu ý: Dư địa chính sách tiền tệ, giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp không hẳn do lãi suất mà do cầu tín dụng, năng lực hấp thụ còn hạn chế, cầu tiêu dùng và đầu tư vẫn chưa mạnh. Nguồn vốn tín dụng sẽ tăng lên khi cầu tiêu dùng và đầu tư tăng, nhưng cần hướng nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực. Do đó, thay vì chính sách tiền tệ, chuyên gia của ADB khuyến nghị, cần thêm các chính sách kích thích tăng trưởng, ví dụ như chính sách tài khóa.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB- Ảnh: VGP/HT

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, vượt thách thức

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhận định: Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

Chuyên gia của ADB đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, trong đó đặt ra yêu cầu khá cao là phải hoàn thành giải ngân 95% trong năm nay. Đây là hướng đúng vì đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, không chỉ thúc đẩy các hoạt động phục vụ cho dự án mà còn mang lại các tác động lan tỏa, giúp hoạt động kinh tế sôi động hơn sau khi công trình hoàn thành.

Tuy nhiên, đại diện ADB lưu ý, vấn đề là cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0.058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1.61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm. Mặc dù chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng tiến triển đạt được là chưa đủ. Thứ nhất, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Một cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện. Nhiều dự án đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án. Dự án có tính sẵn sàng cao để đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn.

Thứ hai, các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách. Điều này có thể gây gián đoạn kéo dài trước khi có thể bắt đầu hoạt động dự án. Một trở ngại lớn cho việc chuẩn bị các dự án kịp thời và có chất lượng là sự phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Sự cứng nhắc này là một thách thức quan trọng trong tình huống thị trường có biên động.

Giá cả tăng cao do thiếu nguyên liệu và đầu vào cho sản xuất – xảy ra do những hạn chế pháp lý - dẫn đến chi phí cao hơn, buộc phải đàm phán lại hợp đồng hoặc cần thêm kinh phí và phê duyệt bổ sung; cần phải sửa đổi các quy định để cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và điều chỉnh phù hợp với mục đích, như một phần của việc cải thiện các thủ tục trong chu trình dự án. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt và quản lý dự án hiệu quả, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều tình huống khác nhau mà không phải lặp lại quy trình phê duyệt. Việc tăng cường năng lực của cán bộ phụ trách đầu tư công ở cấp tỉnh và địa phương cũng rất quan trọng để cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án.

Thứ ba, sự phối hợp yếu kém giữa đầu tư công và quy trình ngân sách dẫn tới phân bổ ngân sách chậm và không đủ. Trong những năm gần đây, báo cáo cho thấy các cơ quan trung ương nhận được nguồn vốn phân bổ cao hơn so với mức đề xuất, trong khi các tỉnh nhận được quá ít so với nhu cầu. Thách thức cấp bách từ sự chênh lệch giữa ngân sách được phân bổ và nhiệm vụ đầu tư thường dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách và chậm trễ trong triển khai dự án. Ngân sách có thể không được phân bổ một cách tối ưu cho những lĩnh vực ưu tiên đã xác định, dẫn đến không tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực. Điều này làm hạn chế tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.

Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong phân bổ và giải ngân ngân sách. Điều này thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa chính quyền trung ương và địa phương, xác định ưu tiên cho dự án dựa trên tác động và tính sẵn sàng, đồng thời thực hiện các cơ chế giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả với hiệu suất cao.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này dường như bị hạn chế. Sự chênh lệch giữa năng lực thực thi ở các cấp chính quyền khác nhau cho thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường quy trình phân bổ vốn và xây dựng năng lực của chính quyền địa phương. Việc phân cấp nhiệm vụ đầu tư công và trách nhiệm tài khóa đang diễn ra đã bộc lộ những điểm yếu trong việc giải quyết các thách thức liên tỉnh hoặc liên vùng. Quy trình ngân sách nên được điều chỉnh để cho phép sự linh hoạt, mà sẽ hiệu quả hơn ở cấp bất kỳ (trung ương hoặc tỉnh).

Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688.5 ngàn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công.

"Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững" chuyên gia của ADB khuyến nghị.

Nhật Quang

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chính phủ kiên định tinh thần '5 quyết tâm,' '5 bảo đảm,' '5 đẩy mạnh', phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024; trong đó yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tục quán triệt phương châm...

Hoan nghênh Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương Mại Mỹ tổ chức phiên điều trần nhằm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt...

Thủ tướng: Sớm đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính...

Việt Nam có lợi gì nếu được Mỹ công nhận là “nền kinh tế thị trường”?

Mới đây, giới đầu tư hồ hởi trước thông tin Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường”. Nếu được công nhận, đây sẽ là bằng chứng cho sự cải thiện trong...

Mỹ cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Mới đây, trang Reuters đưa tin Mỹ đang xem xét việc nâng cấp Việt Nam lên quy chế “nền kinh tế thị trường” trong một nỗ lực củng cố mối quan hệ bền chặt giữa đôi...

Áp lực lạm phát lên chính sách chưa cao và sẽ giảm dần

Mức tăng CPI tuy gần chạm mốc 4,5% mục tiêu, nhưng không quá tiêu cực và áp lực đối với chính sách, bao gồm chính sách tiền tệ, sẽ giảm dần từ quý III/2024.

"Nhiệm vụ của vùng Đông Nam Bộ cao hơn nhiệm vụ của 5 vùng khác của cả nước"

Thủ tướng chỉ đạo, Hội nghị tập trung rà soát các công việc, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, để triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai là hết sức quan trọng

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương, gấp rút chuẩn bị và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để Luật Đất đai...

Họp báo Chính phủ: Kết quả 4 tháng đầu năm tốt hơn cùng kỳ

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhìn chung 4 tháng đầu năm 2024...

Thủ tướng yêu cầu không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1-7-2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98